(VNF) – Biến đổi khí hậu đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, thúc đẩy nhu cầu phát triển kinh tế xanh. Chính phủ nhiều quốc gia đang tích cực thúc đẩy các hoạt động tài chính xanh, tạo nguồn lực để các doanh nghiệp “xanh hóa”. Ngay chính bản thân các tổ chức tài chính cung cấp vốn xanh cũng phải tự “xanh hóa” để đáp ứng các tiêu chuẩn mới.

Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trò chuyện với ông Park Jong Il, Tổng giám đốc Ngân hàng Woori Việt Nam để tìm hiểu về cách thức các tổ chức tài chính, ngân hàng trong việc thúc đẩy kinh tế xanh.

Phát triển kinh tế xanh đang trở thành mối quan tâm toàn cầu, bao gồm cả Hàn Quốc và Việt Nam. Trước tiên, ông có thể chia sẻ về câu chuyện đẩy mạnh kinh tế xanh, tài chính xanh tại Hàn Quốc của Tập đoàn tài chính Woori?

Ông Park Jong Il: Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các tổ chức tài chính lớn tại Hàn Quốc đang tích cực hành động. Họ đang xây dựng hệ thống quản lý lượng khí thải carbon nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon, giảm lượng khí thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, việc đưa “đánh giá trọng yếu kép” vào báo cáo quản lý bền vững đã giúp tăng cường tính khách quan và minh bạch.

Ông Park Jong Il – Tổng giám đốc Ngân hàng Woori Việt Nam

Tập đoàn tài chính Woori, một trong những công ty tài chính lớn của Hàn Quốc, đã tập trung mở rộng tài chính xanh sau khi hệ thống phân loại xanh của Hàn Quốc K-Taxonomy được hình thành. Ngoài việc phát triển hệ thống áp dụng K-Taxonomy cho toàn bộ hoạt động kinh doanh ngân hàng, chúng tôi đang nâng cao hiệu suất dựa trên việc thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá mức độ phù hợp xanh của riêng chúng tôi và cung cấp chương trình đào tạo cho các giám đốc điều hành và nhân viên.

Về bảo tồn đa dạng sinh học, Tập đoàn tài chính Woori đang đi đầu tại Hàn Quốc trong việc phục hồi rừng. Tiêu biểu trong các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi thiên nhiên của chúng tôi là Dự án xây dựng Đường mòn Đông-Tây. Đây là một dự án quốc gia quy mô lớn bắt đầu từ rừng thông Uljin Geumgang ở đầu phía đông của Bán đảo Triều Tiên và kết nối với rừng thông Anmyeon ở Taean tại đầu phía tây.

Cùng với đó, Tập đoàn tài chính Woori cũng bảo tồn và thúc đẩy đa dạng sinh học thông qua Dự án điện gió Cheongsong Norasan, Dự án tạo rừng số 4 mang tên “Khu rừng tài chính Woori”,… Cụ thể hơn, Dự án sản xuất điện gió Cheongsong Norasan là dự án năng lượng tái tạo, xây dựng và vận hành tổ hợp sản xuất điện gió 19,2MW ở Cheongsong-gun, với tổng chi phí dự án là 43,1 tỷ won, trong đó, Tập đoàn tài chính Woori đã hỗ trợ khoản vay 10 tỷ won.

Để giảm lượng khí thải carbon, Ngân hàng Woori đã lắp đặt một cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong tòa nhà trung tâm đào tạo của mình ở Anseong, Kyunggi-do. Bằng cách này, chúng tôi đã sản xuất được 63.712kWh năng lượng tái tạo vào năm ngoái và đạt được mức giảm khí nhà kính là 29,27 tấn CO2.

Ngân hàng Woori sẽ chuyển đổi tất cả các phương tiện phục vụ hoạt động kinh doanh sang phương tiện 100% không phát thải vào năm 2030. Năm ngoái, chúng tôi đã lắp đặt thêm 8 trạm sạc xe điện và tổng cộng 51 trạm sạc (4 trạm sạc nhanh và 47 trạm sạc chậm) tại các chi nhánh trên toàn quốc, đồng thời vận hành 32 xe điện.

Chúng tôi đang thực hiện quản lý ESG bằng cách thiết lập tầm nhìn ESG về “Một thế giới tốt đẹp hơn mà chúng tôi tạo ra thông qua tài chính” và đặt mục tiêu ESG trung dài hạn với “Plan Zero 100” (trung hòa carbon cho đến năm 2050 và hỗ trợ tài chính các dự án ESG với tổng quy mô 100 nghìn tỷ won đến năm 2030). Chiến lược giảm lượng khí thải carbon nội bộ của Tập đoàn tài chính Woori là lắp đặt các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo, lắp đặt đèn LED, sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng,…

Báo cáo bền vững của Tập đoàn tài chính Woori năm 2023 nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ trở thành một công ty nhận thức nghiêm túc về cuộc khủng hoảng khí hậu, tích cực ứng phó với các vấn đề môi trường và thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm xã hội của mình”.

Quầy giao dịch Ngân hàng Woori Việt Nam

Từ bài học tại Hàn Quốc, ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế xanh?

Được biết, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Đến tháng 6/2022, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã ban hành văn bản về đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cùng với đó là những văn bản hướng dẫn để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Theo tôi thấy, chuyển đổi kinh tế xanh cần thay đổi từ trong nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Sau đó mới là các động thái lên kế hoạch, lộ trình chuyển đổi xanh cùng với các cam kết về rác thải, môi trường, công nghệ.

Trong quá trình này, cần có sự tham gia mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng để đảm bảo thực thi các tiêu chuẩn ESG. Cần phải có các cam kết rõ ràng về ESG từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng, chẳng hạn như doanh nghiệp được hưởng hạn mức tín dụng xanh nhất định với mức lãi suất ưu đãi, nhưng phải kèm theo chế tài xử lý nếu không thực hiện đúng cam kết.

Trong thời gian tới, Woori Bank có những định hướng như thế nào để thúc đẩy kinh tế xanh tại Việt Nam, thưa ông?

Woori Bank mong muốn phát triển bền vững cùng doanh nghiệp Việt Nam với định hướng “Good finance for the next” (tạm dịch: “Tài chính vững bền cho tương lai”). Đây cũng là tầm nhìn, định hướng chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu của Tập đoàn tài chính Woori.

Tại Campuchia, Ngân hàng Woori đã thực hiện dự án bảo tồn, quản lý rừng để khôi phục hệ sinh thái với kinh phí 1 tỷ won. Ngân hàng Woori đã ký một thỏa thuận kinh doanh đa phương với Cục Lâm nghiệp Campuchia và Tổ chức Hợp tác Lâm nghiệp Châu Á vào năm ngoái. Ngân hàng Woori thực hiện quản lý rừng bền vững, trong đó tất cả số tiền thu được từ việc bán tín chỉ carbon phát hành trong thời gian kinh doanh sẽ được tái đầu tư vào các dự án rừng của Campuchia.

Tại Việt Nam, hiện tại chúng tôi đang xin tài trợ từ ngân hàng mẹ và lên kế hoạch để thực hiện các dự án lớn tại đây. Cùng với đó, Ngân hàng Woori Việt Nam đang đề ra kế hoạch tổ chức phân loại, chấm điểm liên quan đến kinh tế xanh dựa trên những gì ngân hàng mẹ thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đi vào thực hiện vì vẫn thiếu các văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể vì phụ thuộc vào nhiều chính sách phát triển của Việt Nam.